Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng (Mt 15,29-37) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Mt 15,29-37

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Is 25, 6-9.

Ngày ấy Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc, đầy thịt rượu, thịt thì béo rượu thì ngon.

Theo thói quen Đông phương và Thánh Kinh, bữa tiệc là thành phần của nghi thức các vua đăng quan… Thường vẻ tráng lệ của bàn tiệc, phẩm chất của đồ ăn, thức uống là dấu hiệu uy quyền của một vị vua. Và đặc biệt đây là cách thức để mừng chiến thắng.

Trong gia đình cũng thế, chúng ta mở hội vui bằng những bữa tiệc chu đáo hơn.

Để loan báo thời kỳ Thiên Sai, Thiên Chúa loan báo rằng: Người đích thân tiếp nhận vào bàn tiệc Người. Chúa Giêsu đã lấy bữa ăn là dấu chỉ ơn phúc Người. Tôi có chân nhận rằng: chính trong Thánh Thể mà Thiên Chúa tiếp nhận ta vào bàn tiệc Người không? Tôi có gì để cử hành khi đến dự Thánh lễ không? Tôi có tạ ơn không?

Muôn dân… trên mọi nước… mọi khuôn mặt!

Tính chất phổ quát và thời đại này thật lạ lùng.

Đấng Thiên Sai không dành riêng cho dân Israel. Đấng Thiên Sai mà ơn phúc của Người sẽ trải rộng trên toàn thể nhân loại, đó là lời Chúa hứa.

Lạy Chúa, hãy mở rộng lòng con theo chiều kích của toàn thế giới! Phần con, con có đau lòng khi nghĩ rằng ngày nay còn biết bao người chưa biết đến Tin Mừng này không?

Ôi lạy Chúa, ngày đó, tốt đẹp dường nào. Con chờ đợi trong đức tin. Và trong khi chờ đợi ngày đó, con sẽ nỗ lực an ủi những lệ sầu trên mặt trong em con.

Ngày đó, người ta sẽ nói: “này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta… chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ”.

Cái chết không phải là mục đích, là cùng.

Mục đích chính là niềm hân hoan vui sướng và ơn cứu rỗi. Đó là điều Chúa muốn, là điều Thiên Chúa dọn sẵn cho chúng ta.

Bài đọc II: Mt 15,29-37

Dân chúng lũ lượt kéo đến cùng Chúa Giêsu, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người đau ốm khác…

Lạy Chúa, đó là nhân loại đáng thương đang chạy theo sau Chúa.

Thánh Matthêu lược kể một trong sách tiêu biểu, bao gồm những khổ đau của con người.

Những loại người đó đã mong chờ Thiên Chúa trước hết. Lòng xót thương yêu mến của Thiên Chúa cũng được trao gởi trước hết những kẻ đau khổ, nghèo khó và đau bệnh.

Trong Mùa Vọng, một thời gian khơi gợi chúng ta suy nghĩ về sự mong chờ Thiên Chúa, đang hiện điện trong tâm mọi người, rất tốt để chiêm ngắm cảnh tượng này: Chúa Giêsu bị bao trong… Chúa Giêsu bị xâm chiếm… Chúa Giêsu bị kiếm tìm… bởi những người què quặt, yếu liệt.

Người ta đặt họ dưới chân Người, Người đã chữa lành họ.

Đây là dấu hiệu chứng tỏ việc Đấng Cứu Thế đến: sự dữ lui xa, tai họa bị thăng vượt.

Mỗi khi có thể, đó có phải là dấu hiệu tội vẫn biểu lộ không? Tôi đã làm lui giảm sự dữ thế nào? Tôi có giành tình cảm thực sự cho những người bị thua thiệt không? Tôi có cầu nguyện và hành động theo chiều hướng trên không?

Dân chúng kinh ngạc… và họ tôn vinh Thiên Chúa.

Việc Chúa đến là một lễ hội đối với những người đau khổ. Khi Thiên Chúa qua khỏi đầu, Người thường để lại một chuỗi dài hoan hỉ. Còn tôi, mỗi khi cố gắng bày tỏ Thiên Chúa, tôi có hành xử như thế?

Tuy nhiên, con muốn tin rằng, kế đồ của Chúa là: tiêu diệt mọi sự dữ.

Con muốn tham dự vào chương trình đó… với hy vọng rằng cuối cùng, sẽ không còn sự ác sự dữ nữa.

Và cho dù những đau khổ thân xác không tiêu diệt hết được, thì con vẫn tin rằng, đôi khi có thể thay đổi chúng một chút. Lạy Chúa, xin ban can đảm để giúp biến đổi tình trạng những người bị khổ lụy đủ hạng.

Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ và phán: “ta thương xót đoàn lũ này…”

Rõ ràng Chúa Giêsu xúc động. Một sự xúc động dễ gặp thấy trong những lời Người diễn tả. Tôi chiêm ngưỡng tình cảm đó, rất nhân bản, trong trái tim con người, trong trái tim Thiên Chúa của Người. ngày nay, Chúa Giêsu vẫn còn nói với chúng ta rằng, Người xót thương, Người chịu khổ với những ai khổ đau.

Nếu Ngài “kêu gọi các bạn hữu Ngài”, là Ngài muốn cá công chia sẻ tình cảm của Ngài.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng xúc động như thế trước những ai? Người muốn những ai chi sẽ thái độ yêu thương của Người?

Họ không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đường… Các ngươi có bao nhiêu chiếc bánh?

Chúa mời gọi ta quan tâm đến vấn đề đói ăn nghiêm trọng. Những người hôm nay đang đói khát. Mọi nạn đói: đói vật chất, đói thiêng liêng.

Từ số “ít” này mà tất cả sẽ phát sinh. Bảy chiếc bánh. Đó không phải là nhiều gì, so với một đám đông. Việc giải quyết vụ đói ở đây chính là khía cạnh chia sẻ huynh đệ, chính là tình yêu biết để ý tới kẻ khác.

Chúa Giêsu biến cá ra nhiều.

Nhưng đã có một điểm xuất phát đầu tiên, thuộc con người, rất đơn giản. Ngay cả khi tôi cảm thấy nỗ lực hạn hẹp của mình vô cùng thiếu kém, dầu thế, tôi không cần thực hiện sự đóng góp của mình sao?

Lạy Chúa, này đây bảy tấm bánh của con, xin hãy biến hóa ra nhiều.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giê-su chữa nhiều bệnh nhân

HOÀN CẢNH:

Trên đường truyền giáo, khi ra khỏi miền Ca-na-an, Đức Giê-su đến ven biển hồ Ga-li-lê, ở đây Người đã chữa nhiều bệnh nhân và hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Ý CHÍNH:

Qua bài Tin Mừng này, Thánh Mát-thêu kể lại việc Đức Giê-su chữa lành nhiều bệnh nhân và hóa bánh ra nhiều lần thứ hai, để trình bày sứ vụ cứu thế và mục tử của Người.

TÌM HIỂU:

29”Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy…”:

Đức Giêsu xuống khỏi miền Ca-na an,nơi Người đã chữa con gái của một người đàn bà (25,21-28).

- Người lên núi: “Núi” là nơi thanh vắng, thoát tục: nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

- Ngồi ở đó: “Ngồi” là tư thế của một Thầy dạy; ở đây Đức Ki-tô đóng vai một Thầy dạy không chỉ bằng lời giảng nhưng bằng phép lạ chữa bệnh và hóa bánh ra nhiều.

Sau khi cùng các môn đệ rảo quanh một vòng các miền dân ngoại (Mc 7,31), Đức Kitô trở về phía đông Biển Hồ Ga-li-lê, đi lên một ngọn núi và ngồi ở đó để tiếp đón và quy tụ quanh mình mọi người từ khắp nơi đến với Người, đặc biệt là những kẻ ốm đau, tàn tật. Một hình ảnh rất sinh động nói lên ơn gọi các dân tộc và báo trước sứ vụ của Hội Thánh sau này giữa nhân loại.

32”Đức Giê-su gọi các môn đệ lại….”:

Đức Giê-su muốn các môn đệ chứng kiến những công việc thuộc vai trò mục tử của Người, để sau này các môn đệ tiếp tục chăm sóc dân chúng.

- Trước nhất, Người tỏ lòng thương xót dân chúng: “Thầy chạnh lòng thương đám đông”. Người tông đồ phải có lòng yêu thương đối với người mình phục vụ.

- Lòng thương xót đích thực phải bày tỏ bằng việc làm cụ thể:”Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về.

Việc chăm sóc sự sống phần xác: phản ánh việc chăm sóc phần hồn, đó là vai trò của mục tử.

33”Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh…”:

Các môn đệ tỏ ra bất lực trong việc cho đám đông ăn. Chúa có ý cho thấy sự bất lực của môn đệ, trước khi Người làm phép là.

34 ”Anh em có mấy chiếc bánh…?”:

Đặt câu hỏi này, Đức Giê-su muốn cho các môn đệ ý thức về:

- Nhu cầu cần phải cho dân chúng ăn.

- Sự bất lực của mình.

- Việc cần phải cậy trông đến Chúa bằng cách sẵn sàng cộng tác với Chúa và tùy thuộc vào Chúa.

“Bánh và cá” là thức ăn thông dụng của mọi người và nhất là người nghèo trong xã hội thời bấy giờ; đó là nhu cầu của đời sống con người ở trần thế.

Con số 7: có ý chỉ sự trọn vẹn, nhưng cũng có thể gợi nhớ đến bảy thừa tác viên được chỉ định phục vụ bàn ăn (Cv 6,2-6).

26 ”Bấy giờ Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống đất:

Đây là tư thế chuẩn bị bữa ăn theo phong tục Do Thái, nhưng chưa có thức ăn. Điều nói lên rằng các môn đệ và dân chúng dù chưa hiểu và chưa thấy hiệu quả việc Chúa làm, nhưng vẫn vâng phục và tin vào Đức Giê-su.

27”Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh….”:

Việc này ám chỉ đến nghi thức Thánh Thể và cũng nói lên rằng đức Giêsu chia sẻ quyền mục vụ cho các môn đệ trong việc chăm sóc dân Chúa.

28”Ai nấy đều ăn no….”:

Ăn no mà còn dư bảy thúng: diễn tả một sự no thỏa trọn vẹn và không còn thiếu gì nữa. Ở đây ám chỉ đến bí tích Thánh Thể là của ăn đem lại sự sống đời đời.

30”Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông…”:

- Không kể đàn bà và trẻ em vì hai hạng người này không được coi trọng trong xã hội Do Thái thời bấy giờ.

Con số bốn ngàn người ăn tượng trưng tính phổ quát giữa bốn phương trời chính trong vũ trụ.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Nhìn vào Chúa Giêsu:

a) Xem việc Chúa làm:

- Đức Kitô lên núi và ngồi ở đó: Đức Kitô thi hành vai trò giáo huấn dân chúng.

Là người tông đồ của Đức Kitô, chúng ta phải sống giáo huấn của Người, để có thể cộng tác với Người trong việc truyền bá giáo huấn đó cho những người chung quanh.

- Đức Kitô chữa lành mọi bệnh nhân: Đức Kitô thể hiện vai trò cứu thế của Người.

Là người tông đồ của Chúa, chúng ta phải đón nhận tinh thần của Chúa để nâng đỡ những người yếu đuối, an ủi những kẻ âu lo, đem bình an đến những nơi tranh chấp, gieo rắc sự hòa thuận vào những nơi bất hòa …

- Đức Kitô trao cho các môn đệ và các ông trao cho dân chúng: Đức Kitô chia sẻ công việc phục vụ của mình cho các cộng sự viên.

Người tông đồ là cộng sự viên của hàng giáo phẩm, của linh mục quản sứ… nên phải biết vâng phục và cộng tác nhiệt thành trong những công việc tông đồ.

- Đức Giêsu lên thuyền sang miền Ma-ga-đan: Đức Kitô phục vụ mà không đòi quyền lợi gì cho mình.

Cũng vậy, người tông đồ khi phục vụ xong một công việc, không đòi hỏi một quyền lợi nào, nhất là danh vọng, lòng biết ơn của kẻ khác.

b) Nghe lời Chúa nói:

- Thầy chạnh lòng thương đám đông: Công việc phục vụ phải được phát xuất từ lòng thương yêu.

Vì vậy,người tông đồ phải hết mình yêu thương người mình phục vụ để thực sự tận tình giúp đỡ họ.

- Thầy không muốn giải tán họ để họ nhịn đói mà về: Chúa không muốn để cho ai phải đói.

Người tông đồ phải biết nhạy cảm để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của tha nhân, khi hoàn cảnh và khả năng cho phép.

- Anh em có mấy chiếc bánh?: Chúa muốn các môn đệ dâng cho Người những gì mình có để Chúa biến thành sức sống chăm sóc dân chúng. Chúa muốn người tông đồ dâng cho Người những gì mình có dù nhỏ bé hèn mọn, để Chứa biến thành những của ăn tinh thần nuôi sống dân Chúa.

2. Nhìn vào các môn đệ:

- Được chứng kiến việc Chúa chữa lành các bệnh nhận và việc hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, các môn đệ đã học hỏi và bắt chước Chúa để sau này thi hành sứ vụ tông đồ của mình.

Người tông đồ cũng phải học hỏi Chúa hằng ngày qua giờ cầu nguyện, suy niệm, học hỏi Lời Chúa… để thấm nhiệm tinh thần của Chúa trong việc chăm sóc đoàn chiên Người.

- Các môn đệ dâng cho Chúa bảy chiếc bánh và hai con cá: của dâng cho Chúa thật ít ỏi, chẳng thấm vào đâu với nhu cầu của đám đông dân chúng. Nhưng Chúa đã nhận và biến thành số lớn nuôi trên bốn ngàn người ăn no và dư bảy thúng.

Là người tông đồ của Chúa, chúng ta cũng phải có lòng quảng đại dâng cho Chúa tất cả những gì mình có: thân xá sức khỏe, tài năng và những gì mình sở hữu, để Chúa sử dụng vào chương trình cứu độ của Người.

- Các môn đệ đã phân phát bánh cho dân chúng:

Người tông đồ cũng phải nhiệt tình trong việc chăm sóc dân chúng về của ăn tinh thần qua việc giảng dạy, và nhất là về nhu cầu của đời sống tâm linh qua việc cử hành các bí tích.

3. Nhìn vào đám đông dân chúng:

Tin tưởng vào Đức Kitô là vị Cứu Thế, dân chúng đã đến với Chúa rất đông để được chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, lại được Chúa ban của ăn phần xác để báo hiệu của ăn phần hồn là bí tích Thánh Thể.

Noi gương dân chúng, người tông đồ phải nhiệt tình đem những bệnh nhân tinh thần đến với Chúa qua Hội Thánh để được cứu chữa nhờ các Bí Tích.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.